Thứ sáu, 07/01/2022
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện tại ngành thủy sản Việt Nam đã có nền tảng khá vững chắc, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế. Do vậy, yếu tố quyết định trong cạnh tranh hiện nay là ai kiểm soát được tốt nhất dịch COVID-19 duy trì sản xuất thì sẽ có lợi thế trong mở rộng thị phần xuất khẩu.
"Phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản của nước ta tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long, trong khi vùng này được dự báo ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khi hậu nên thách thức về hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên vật nuôi cũng là rủi ro không thể xem nhẹ nhất là đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại vùng này", Thứ trưởng Tiến lưu ý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, xuất khẩu tôm nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung trong năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường mà ta xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.
Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài, nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm.
Một thị trường khác là Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới, đây cũng là một khó khăn thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cũng theo ông Luân, diện tích thả nuôi cá tra từ tháng 7 - 9/2021 giảm khoảng 30 - 55% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, trong tháng 1 - 3/2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến đối với ngành cá tra xuất khẩu.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Trong 11 tháng đầu năm 2021, có 23 lô hàng cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm khi thẩm tra, kiểm tra trước xuất khẩu thủy sản ra nước khác, các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là vi sinh vật như TPC, Coliforms, E.Coli. Số lô hàng bị cảnh báo tại các thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là Trung Quốc cũng đã đặt ra nhiều rào cản thương mại như việc Hải quan nước này đã ban hành lệnh 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
"Lệnh số 248 về quy định đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc. Lệnh số 249 quy định về biện pháp quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc".
Ngoài ra, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới vừa là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức đối với các sản phẩm xuất khẩu nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng trong tham gia thị trường toàn cầu.
Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/
HAIRTAIL SURIMI
Giá: Liên hệ