Thứ năm, 03/03/2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tháng 1/2022 của Việt Nam đạt gần 88 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021.
Các sản phẩm thịt/ philê cá ngừ đông lạnh mã vẫn là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, chiếm tới hơn 66% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2022.
Đáng chú ý trong tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thịt/ philê cá ngừ đông lạnh mã và cá ngừ chế biến khác (chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh) sang các thị trường tăng cao ở mức 3 con số, lần lượt là 172% và 278% so với cùng kỳ.
8 thị trường xuất khẩu chính của cá ngừ Việt Nam là Mỹ, EU, CPTPP, Nga, Arập Xêút, Israel, Ai Cập và Trung Quốc, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp nối xu hướng tăng trưởng trong quý 4/2021, xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng, trừ Trung Quốc.
Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 50% tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2022, đạt gần 44 triệu USD, tăng 210% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cá ngừ sang các nước EU cũng tăng tốc trong tháng đầu năm. Đáng chú ý có sự góp mặt của Hà Lan và Lithuania trong top 3 thị trường dẫn đầu khối về giá trị nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường này trong tháng 1/2022 đang tăng với tốc độ "chóng mặt", lần lượt là 243% và 1.938% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu sang một số thị trường trong khối hiệp định này sau khi sụt giảm trong quý cuối năm 2021 đã khởi sắc lại trong tháng đầu năm 2022. Như Canada và Peru, tăng lần lượt là 26% và 2.289 % so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá ngừ sang Chile cũng tăng mạnh 219%, nhưng xuất khẩu sang Nhật Bản lại tiếp tục sụt giảm 17% so với cùng kỳ.
Trong tháng 1/2022, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu cá ngừ với giá trị gần 40 triệu USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước.
Đứng sau Khánh Hòa là tỉnh Bình Định với doanh số đạt 11 triệu USD, chiếm trên 13%. Tiếp theo là Long An với gần 7,7 triệu USD, chiếm gần 9%. Ngoài ra, Phú Yên, TP.HCM và Bình Dương cũng là những địa phương cũng có doanh số xuất khẩu cá ngừ đáng kể, chiếm từ 6-8%.
Hiện cả nước có 72 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu cá ngừ. Dẫn đầu trong số các công ty này là Bidifisco, Dragon Wave, Tithico, Highland Dragon và Nha Trang Bay, chiếm gần 46% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước.
Theo đại diện VASEP, điều này cho thấy sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, tận dụng tốt xu hướng gia tăng nhu cầu trên thị trường thế giới để tăng thêm thị phần.
"Các doanh nghiệp đã chủ động gia tăng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu để có thể tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)", đại diện VASEP nhận định.
Theo VASEP, dự báo năm 2022, ngành cá ngừ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, như: Hoạt động giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển đường biển vẫn chưa có xu hướng giảm. Cùng với đó là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia cũng như những cảnh báo về an toàn thực phẩm… sẽ là những thách thức mà các DN xuất khẩu sẽ phải đối mặt.
Tuy nhiên, do các thị trường đã mở cửa trở lại và nhu cầu của các chuỗi dịch vụ thực phẩm tại các thị trường tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu. Do đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Nguồn: https://thegioitiepthi.vn/
Bài viết liên quan:
Năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản mục tiêu 9,2 tỷ USD, bất ngờ cá ngừ, nghêu ốc tăng mạnh nhất
HAIRTAIL SURIMI
Giá: Liên hệ