Thứ sáu, 09/04/2021

Xã Hải Chính phát triển kinh tế biển

Hải Chính là một trong 6 xã ven biển của huyện Hải Hậu, có đường biên giới biển dài trên 3km, diện tích 346,2ha, dân số 1.489 hộ với gần 6.000 người. Ngành nghề truyền thống của xã là sản xuất muối và khai thác thủy sản. Những năm gần đây, trước những khó khăn chung của các địa phương ven biển khi tài nguyên bị khai thác quá mức, nhiều ngư trường bị thu hẹp, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân phát triển kinh tế biển để tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Lân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hải Chính cho biết: Hàng năm, Đảng ủy xã đều xây dựng và ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế biển theo Đề án chuyển đổi sản xuất muối, cơ cấu lại lao động sang ngành nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ở các xã ven biển của huyện. Trên cơ sở các Nghị quyết, Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân nghiêm túc thực hiện. Việc thực hiện các nghị quyết chuyển đổi sản xuất muối truyền thống không còn hiệu quả sang nuôi thủy hải sản phù hợp thực tế, được cán bộ, đảng viên, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy hải sản của xã đạt 82ha, trong đó có hơn 40ha hoạt động thường xuyên. UBND xã cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân đầu tư đúng hướng, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, kế hoạch chuyển đổi sản xuất hiệu quả. Thời gian đầu, người dân trong xã tập trung nuôi tôm công nghiệp cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, do tác động nhiều yếu tố về kỹ thuật, con giống, môi trường đã dẫn tới nuôi tôm hiệu quả thấp, được sự giúp đỡ các ngành, địa phương, nhân dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú và các loại cá song, cá vược… có hiệu quả kinh tế bền vững. Hiện toàn xã có 140 hộ với gần 400 lao động nuôi thủy sản. Năm 2020, sản lượng nuôi thủy sản của xã ước đạt 147 tấn, năng suất bình quân đạt 2,7 tấn/ha. Bình quân giá trị kinh tế nuôi thủy sản đạt 250-350 triệu/ha cao hơn nhiều lần so với làm muối. Nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, xã đã hỗ trợ một số hộ nuôi liên kết, thành lập các HTX để trao đổi kinh nghiệm, thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp thức ăn cho con giống, thuốc thú y thủy sản... Xã cũng tạo điều kiện về hạ tầng, chính sách giúp cho một số đơn vị như Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty TNHH Anh Việt, Công ty TNHH thủy sản và xuất nhập khẩu Nam Định… đầu tư nuôi thủy sản tập trung.

Cùng với phát triển nuôi thủy sản, xã cũng tích cực chỉ đạo cán bộ, nhân dân bám các ngư trường, mở rộng nghề khai thác thủy hải sản. Xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân như tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trong khai thác; hướng dẫn đầu tư các loại ngư cụ khác nhau để khai thác đa dạng các loại hải sản; đầu tư thiết bị bảo quản; phối hợp các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu gỗ, đóng mới tàu vỏ sắt… Đến nay đội tàu khai thác của xã có 72 tàu, trong đó có 46 tàu đủ quy định tiêu chuẩn đánh bắt xa bờ công suất từ 300CV-1000CV, trở thành xã có đội tàu khai thác xa bờ mạnh của tỉnh, làm giảm đáng kể các tàu mủng mảng khai thác ven bờ. Phần lớn các tàu dài trên 15m đều được trang bị máy định vị, máy thông tin liên lạc và đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đáp ứng đủ điều kiện an toàn lao động trên biển với gió cấp 7, cấp 8 và đi dài ngày. Trong năm 2020, xã cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ để nâng cấp, sửa chữa cho 26 tàu cá tiếp tục vươn khơi xa bám biển làm giàu. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND và các ban, ngành, đoàn thể của xã đã phối hợp Đồn Biên phòng Văn Lý (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, về an toàn, an ninh trên biển, những vấn đề mà Việt Nam ký cam kết với Liên minh châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, tàu cá của ngư dân không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Năm 2020, sản lượng khai thác của đội tàu cá xã khoảng 1.247 tấn, giá trị khai thác thủy sản đạt hơn 137 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 335 lao động nghề với thu nhập của các chủ tàu khoảng 300-350 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất dài ngày trên biển, nâng cao hiệu quả các chuyến biển, tiêu thụ sản phẩm, các hộ ngư dân trong xã đã thống nhất thành lập Hiệp hội nghề cá xã. Anh Phạm Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã cho biết: Hiệp hội có gần 50 tàu cá, là ngư dân các xóm: Trung Châu, Tây Sơn, Nam Ninh, Tây Ninh, Sơn Đông… Mỗi tàu cá thông thường có 6 người góp vốn với tổng kinh phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Trong năm 2020, nhiều tàu cá của ngư dân tiếp tục đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa, mua ngư cụ nhằm đánh bắt hiệu quả như tàu của ông Nguyễn Văn Dương công suất 470CV, tàu của ông Kim Ngọc Tế công suất 829CV. Phạm vi hoạt động của các thành viên hiệp hội chú yếu là vùng vịnh Bắc Bộ. Trong quá trình hoạt động, Hiệp hội luôn thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) tuân thủ các ngư trường khai thác, đánh bắt; thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động cho các lực lượng chức năng trong quá trình bám biển, bám ngư trường dài ngày, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, đến nay, giá trị sản xuất, thu nhập cả khai thác và nuôi trồng thủy sản đã chiếm hơn 60% tổng thu nhập của cả xã. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đạt 53 triệu đồng/khẩu, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Thu nhập của người dân tăng nhanh là cơ sở quan trọng để xã Hải Chính thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu bền vững và phát triển. Phát huy những kết quả đạt được, những năm tới Đảng ủy xã sẽ tiếp tục ban hành các Nghị quyết về phát triển mạnh mẽ kinh tế biển ở khai thác hải sản, nuôi trồng thủy hải sản. Theo đó, năm 2021 xã sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị hành trình cho các tàu cá đi khai thác xa bờ đủ các điều kiện theo quy định khi ra khơi và thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm thu hoạch, được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khai thác… Toàn xã phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 1.450 tấn trở lên. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, áp dụng tốt KHKT, kinh nghiệm, thổ nhưỡng, nuôi thả đa dạng các loại thủy sản, phóng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, phấn đấu sản lượng và giá trị sản xuất đạt tư 450-550 triệu đồng/ha. Xã cũng tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến thủy sản để nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến từ thủy sản và góp phần giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

21/05/2017

Gần đây, cá tra giống trên địa bàn tỉnh Đồng...

Tôm mang phận tép!

Tôm mang phận tép!

21/05/2017

Trong vòng 15 năm qua, giá trị xuất khẩu ngành...

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

21/05/2017

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt...

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

21/05/2017

Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội...