Thứ ba, 19/12/2017

Từng bước chinh phục thị trường

Doanh nghiệp lẫn người nuôi thủy sản bắt đầu thay đổi cách sản xuất, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, giảm thiểu thất thoát trong quá trình nuôi cũng như gia tăng chất lượng ngày càng tốt hơn.

Trước xu thế cạnh tranh khốc liệt về sản xuất và thương mại giữa các nước, thì những khó khăn do thị trường đặt ra tựa như chiếc đòn bẩy giúp ngành thủy sản bật mạnh hơn với những chiến lược thay đổi sản xuất, đẩy mạnh chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường nước ngoài cũng như giữ vững sân nhà.

Nâng cao chất lượng nuôi, trồng
Nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, chính cái khó đã khiến cho doanh nghiệp lẫn người nuôi “ló cái khôn”, khi họ bắt đầu thay đổi cách sản xuất, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, chế biến, giảm thiểu thất thoát trong quá trình nuôi cũng như gia tăng chất lượng ngày càng tốt hơn. 

Điều này đã được chứng minh rất rõ trong thời gian qua, ngành nuôi tôm đã thay đổi công nghệ cũng như giải pháp nuôi.

Thay vì chú trọng nuôi dày, kỹ thuật kém thì nay đã có những công ty vốn nước ngoài đầu tư công nghệ nuôi tôm chất lượng cao tại nhiều tỉnh khu vực đồng bằng song Cửu Long. Trong đó phải kể đến vùng tôm nguyên liệu công nghệ cao tại Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng,… 

Bên cạnh đó, nuôi tôm sinh thái và tôm hữu cơ cũng được chú trọng. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Minh Phú, người tiêu dùng thế giới ngày càng ưu tiên nhiều hơn trong tiêu thụ sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ.

Chính vì vậy, gia tăng chất lượng con tôm bằng cách nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái chính là con đường mở để tôm Việt Nam cạnh tranh dễ dàng hơn với tôm từ quốc gia khác trên thị trường thế giới.

Mặt khác, đầu tư nuôi trồng theo hướng này giúp người dân trở về với lối canh tác tự nhiên, tránh việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh trong thủy sản, có thể gây hại cho môi trường cũng như người tiêu dùng. 

Cùng với con tôm, cá tra cũng có bước đột phá trong sản xuất nâng chất lượng, đáp ứng nhu cầu cá thịt trắng của các thị trường Mỹ, châu Âu.

Theo đó, con giống cá tra sẽ được “thay máu” để nâng cao chất lượng, giảm hao hụt cũng như giảm được chi phí nuôi trên mỗi kilogram, hướng tới giảm giá thành sản xuất cho người nuôi và doanh nghiệp. Tổng cục thủy sản cho biết sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

Đề án này gồm các đơn vị tham gia là các đơn vị nghiên cứu (viện, trường) cung ứng nguồn giống cá tra bố mẹ, cá tra hậu bị cho các trung tâm giống, các doanh nghiệp để sản xuất cá bột.

Sau đó các trung tâm, doanh nghiệp cung ứng cá bột cho đơn vị nuôi ươm giống để cung cấp cho người nuôi thương phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra được xác định là hạt nhân cơ bản trong mối liên kết., phục vụ cho chế biến, xuất khẩu nội trong tháng 12/2017. 

Theo đề xuất của đề án này, tỉnh An Giang sẽ là hạt nhân để thực hiện đề án với diện tích 350 ha, tiếp theo là Đồng Tháp thực hiện ươm dưỡng giống trên 450 ha. Sau đó sẽ mở rộng ra ở 9 tỉnh đồng bằng song Cửu Long. Ước tính, đến năm 2020, đề án này sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu giống cá tra phục vụ cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy định đánh bắt
Trước cảnh báo "thẻ vàng" mà Liên minh châu Âu áp dụng, nhiều địa phương có hoạt động khai thác, đánh bắt đều tiến hành gắn thiết bị định vị qua vệ tinh để giám sát tàu khi khai thác, đánh bắt, như Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn chưa đồng bộ vì chưa có quy định cụ thể; trong đó, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện rất tốt quy định này. 

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, ngư dân Khánh Hòa chấp hành khá nghiêm các quy định của nhà nước về khai thác trên biển nên số tàu cá vi phạm không nhiều.

Chính vì vậy, 100% tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh đều lắp thiết bị định vị. Chi cục thủy sản cũng thường xuyên có mặt tại các cảng cá, kiểm tra chéo các tàu đánh bắt để xác định đúng vùng biển và sản lượng, loài khai thác để đáp ứng đúng tiêu chuẩn của thị trường. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tín Thịnh (Khánh Hòa), trước yêu cầu của thị trường như vậy, nếu các doanh nghiệp, ngư dân không đảm bảo quy định của EU thì sẽ tự loại mình ra khỏi các thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật…

Vì thế, để hoạt động khai thác, sản xuất diễn ra trôi chảy, đúng quy định thì việc hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản là vấn đề tất yếu cần được quan tâm, liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết được bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản xuất khẩu. 

Tỉnh Bạc Liêu cũng là một trong những địa phương có hoạt động khai thác, đánh bắt mạnh. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất, phù hợp với quy định của thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường khác nói chung, tỉnh cũng đã hướng dẫn cho các tổ chức, nghiệp đoàn nghề cá, cá nhân tham gia đánh bắt thực thi đúng Luật thủy sản.

Đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài, không đánh bắt các loài thủy sản bị cấm, ghi chép nhật kỳ đánh bắt cụ thể đối với từng mẻ cá, ngư cụ, ngư trường. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xử lý nghiêm các chủ tàu móc nối cho tàu khác khai thác sai vùng biển. Tỉnh cũng sẽ tổ chức lại nghề khai thác thủy sản để đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn lợi này bằng việc giảm dần tàu làm nghề kéo lưới, tổ chức lại khai thác vùng biển xa bờ, ven bờ theo mô hình khai thác theo tổ, đội và các mô hình quản lý khai thác có sự tham gia của cộng đồng.

Đối với những chủ tàu vi phạm, tỉnh tước giấy phép khai thác trong 6 tháng, những chủ tàu tái phạm sẽ không được cấp phép khai thác thủy sản và không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

21/05/2017

Gần đây, cá tra giống trên địa bàn tỉnh Đồng...

Tôm mang phận tép!

Tôm mang phận tép!

21/05/2017

Trong vòng 15 năm qua, giá trị xuất khẩu ngành...

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

21/05/2017

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt...

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

21/05/2017

Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội...