Thứ sáu, 17/09/2021
Ngư dân nằm bờ do ảnh hưởng dịch Covid-19
Hơn 2 tháng nay, 5 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Lê Văn Tèo ở phường Xương Huân, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã phải nằm bờ do thời gian qua TP Nha Trang thực hiện giãn cách xã hội.
Ngư dân Tèo cho biết, do tàu nằm bờ lâu ngày nên đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn, bởi thu nhập chủ yếu dựa vào nghề biển để kiếm sống. Với các chủ tàu, thời điểm này càng khó khăn hơn, dù không có thu nhập song phải lo tiền trả nợ, một mặt còn phải lo cho các thuyền viên ứng tiền để trang trai cuộc sống. Nếu chủ tàu không giúp các bạn thuyền thì sau dịch sẽ khó kiếm được lao động đi đánh bắt.
Thời gian qua, tình cảnh chung rất nhiều tàu cá của tỉnh Khánh Hòa không thể vươn khơi do phải thực hiện giãn cách xã hội. Như 32 tàu của Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang đã nằm bờ vài tháng nay.
Ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, trước khó khăn do tàu nằm bờ không có thu nhập, vừa qua ông và nhiều ngư dân đã làm đơn gửi lên cơ quan chức năng xem xét để được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ông cũng như nhiều ngư dân hi vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, chính quyền sớm tạo điều kiện để ngư dân bám biển trở lại, ổn định cuộc sống. Đặc biệt hiện vụ đánh bắt cá ngừ đại dương đang sắp vào mùa.
Theo ông Lữ Thanh Phong, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), số tàu cá hoạt động vùng khơi trong thời gian qua chỉ khoảng 40 - 80 tàu (trong tổng số 746 tàu cá đánh bắt xa bờ toàn tỉnh). Tổng sản lượng hải sản khai thác 8 tháng năm 2021 toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 56.260 tấn, giảm 6,7 % so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó thời gian qua, hoạt động thu mua thủy hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi Khánh Hòa chỉ có cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) được chỉ định xác nhận nguồn gốc thuỷ sản theo quyết định của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên phải tạm dừng hoạt động cảng cá Hòn Rớ để phòng, chống dịch, khiến việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp tại cảng cũng tạm ngưng.
Trước tình hình đó, các tàu cá xa bờ trong tỉnh đã được hướng dẫn thay đổi lộ trình về cảng cá Đá Bạc (TP Cam Ranh) hoặc các cảng cá khác để lên cá, nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không thực hiện được xác nhận nguồn gốc thuỷ sản.
Theo một doanh nghiệp thu mua cá ở cảng cá Đá Bạc, thời gian qua, ngoài cá ngừ đại dương vẫn duy trì thu mua ở mức 110 - 120 ngàn đồng/kg, còn lại giá các loại cá khác đều giảm 20 - 30% so với bình thường.
Trong khi đó, các chủ tàu cho biết, chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng cao, cụ thể tàu câu cá ngừ đại dương tăng 15%, tàu lưới rê khơi tăng 25% so với các chuyến biển trước. Do đó, nhiều tàu cá không đủ kinh phí để duy trì chuyến biển đã tạm ngưng hoạt động khai thác, nằm bờ hoặc chờ chuyển nhượng. Từ đó việc thu mua nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp và tiêu thụ nội địa cũng giảm theo.
Nhiều nhà máy chế biến ngưng hoạt động
Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa có 149 cơ sở sản xuất chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 57 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện nhiều nhà máy chế biến trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động, bởi một phần thiếu nguyên liệu và việc áp dụng biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” đã đấy chi phí sản xuất tăng cao.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng không có lao động để làm. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản chủ yếu duy trì hoạt động cầm chừng hoặc giải quyết các đơn hàng cũ đã ký từ trước là chính.
Ông Huỳnh Đắc Trí, Giám đốc Công ty TNHH T&H Nha Trang, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nhất đến chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến do các tàu cá không thể vươn khơi đánh bắt.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa, tìm xe chở hàng cũng khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” nên đẩy chi phí tăng từ 20 - 30% so với trước đây. Thêm vào đó, cước tàu biển vận chuyển hàng hóa cũng tăng mạnh, trước đây 1 container đi Châu Âu và Mỹ tầm khoảng 2.000 - 2.500 USD, giờ tăng lên tới 12.000 -13.000 USD.
“Hiện thị trường xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Châu Âu… vẫn ổn định. Khách hàng đặt rất nhiều nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải ngưng hoạt động, không có đủ nguyên liệu để giao. Như các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp ở Suối Dầu theo tôi được biết phải khoảng 70 - 80% tạm ngưng hoạt động”, ông Trí chia sẻ.
Đối với Công ty TNHH T&H Nha Trang, suốt thời gian qua vẫn duy trì hoạt động “3 tại chỗ” nhờ chủ động nguyên liệu thu mua trong nước, cùng với nguyên liệu đông lạnh được nhập khẩu từ trước. Tuy nhiên, hiện công ty này cũng chỉ duy trì hoạt động khoảng 40 - 50% công suất so với bình thường.
Để tháo gỡ, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho rằng, cần khẩn trương ưu tiên tiêm vacxin cho lao động trong ngành thủy sản (khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ…) để đảm bảo an toàn tham gia hoạt động sản xuất. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa và có chính sách tín dụng giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, cần sớm xem xét có phương án phù hợp để các cảng cá và các doanh nghiệp (chế biến, thu mua…) sớm trở lại hoạt động sản xuất.
HAIRTAIL SURIMI
Giá: Liên hệ