Thứ năm, 29/07/2021

Nuôi trồng thủy sản cần những biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhất là các loại thủy sản nước lạnh có giá trị kinh tế cao. Do vậy, nếu không được quan tâm đúng mức và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ gây thiệt hại lớn không chỉ cá nước lạnh mà còn có khả năng ảnh hưởng đến các loài cá khác của địa phương hay thậm chí cả các loài sinh vật có lợi khác.

Nuôi cá nước lạnh ở huyện Đam Rông đang cần quy trình hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh từ ngành Nông nghiệp Lâm Đồng

Đạt 9.800 tấn thủy sản mỗi năm

Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 11.800 hộ nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước khoảng 2.600 ha, trong đó có 50 ha diện tích nuôi cá nước lạnh. Phương thức nuôi theo hình thức quảng canh tiên tiến chiếm tỷ lệ hơn 83%, nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm gần 17%. Riêng diện tích nuôi cá nước lạnh chủ yếu áp dụng biện pháp thâm canh và ứng dụng công nghệ cao. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm ước đạt khoảng 9.800 tấn. Cụ thể, gồm 8.400 tấn các loại cá trắm cỏ, chép, rô phi, mè…; 100 tấn lươn, ếch, baba…; 1.300 tấn cá tầm, cá hồi. Địa bàn nuôi các giống thủy sản truyền thống tập trung ở các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm, Cát Tiên… Nuôi cá nước lạnh (giống cá tầm, cá hồi của Đức và Nga) với 50 cơ sở và hộ nuôi tại các vùng sinh thái ở Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lộc.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở sản xuất giống cá truyền thống và 3 cơ sở sản xuất giống cá nước lạnh nhập trứng từ 2 nước Đức, Nga về tự ấp nở thả nuôi. Ngoài ra, còn có 15 cơ sở nuôi 270 lồng bè cá tầm, các loại cá nước ngọt truyền thống trên ao, sông hồ ở huyện Di Linh, Vườn Quốc gia Cát Tiên, dọc sông Đồng Nai. Chưa kể 52 doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình đang nhân rộng mô hình nuôi thủy sản trong hệ thống bể xi măng, bể composite, ao lát bạt… tại địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông…

“Lâm Đồng là một tỉnh có điều kiện khí hậu, thời tiết, hệ thống ao hồ, sông suối thuận lợi cho việc mở rộng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi các loài cá tầm, cá hồi đạt giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập ngày càng cao cho kinh tế hộ gia đình…”, theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

Chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh

Tuy nhiên, cũng qua đánh giá của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, trên nhiều vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong thời gian qua đã xuất hiện các loại dịch bệnh rải rác. Theo đó, trên các hồ nuôi cá tầm, cá hồi vân thương phẩm đã có thời điểm xuất hiện nhiều loại virus, ký sinh trùng, nấm bệnh… làm thiệt hại đáng kể năng suất thu hoạch. Riêng cá hồi, cá tầm giống còn phát hiện nhiều tác nhân gây bệnh xuất huyết, đen thân, bơi xoáy… ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế chung của người nuôi. Chưa hết, trên hệ thống ao hồ nuôi cá rô phi, diêu hồng... cũng đã phát hiện giảm sản lượng do nhiễm bệnh Tilapia Lake và bệnh do vi khuẩn Streptococcus…

Khảo sát ban đầu cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các loại bệnh xuất hiện trong môi trường nuôi cá nước ngọt, nước lạnh nói trên ở Lâm Đồng chưa được khắc phục kịp thời, trước hết do điều kiện, quy mô nuôi của hộ gia đình một số khu vực còn phân tán, nhỏ lẻ, nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện ngoài khả năng kiểm soát của người nuôi; trong khi đó hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn còn mỏng, thiếu đội ngũ chuyên môn kỹ thuật và đôi lúc thiếu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn và ban, ngành địa phương.

Với mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ổn định, bền vững, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang xây dựng, thông qua kế hoạch mười năm hình thành các vùng thủy sản an toàn sinh học, chủ động phòng, chống dịch bệnh nhằm phát huy hơn nữa lợi thế, tiềm năng của địa phương để không ngừng tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Trước mắt, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung khảo sát, khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu trên từng diện tích ao hồ, sông suối nuôi thủy sản của mình. Đồng thời, thường xuyên giám sát, theo dõi, dự tính, dự báo, thông tin chính xác để kịp thời phát hiện, bao vây, xử lý triệt để các ổ dịch, ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn nuôi trồng thủy sản từ ngoài tỉnh đối với các bệnh mới nổi như bệnh do Tilapia Lake virus (TiLV) và bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus trên cá rô phi và cá diêu hồng; bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (Spring viraemia of virus: SVCV); bệnh do Koi Herpesvirus Disease (KHV) gây bệnh trên cá chép và cá koi; bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (Infectious Hematopoietic Necrosis virus: IHNV) trên cá nước lạnh…

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

21/05/2017

Gần đây, cá tra giống trên địa bàn tỉnh Đồng...

Tôm mang phận tép!

Tôm mang phận tép!

21/05/2017

Trong vòng 15 năm qua, giá trị xuất khẩu ngành...

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

21/05/2017

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt...

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

21/05/2017

Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội...