Thứ sáu, 09/04/2021
Dự án với tên gọi “Các quyền từ Tàu tới Bờ biển trong khu vực Đông Nam Á” là một chương trình được thực hiện trong thời gian 4 năm (2020-2024) do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai.
Dự án này do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ với khoản kinh phí là 10 triệu EURO, tương đương với 11,29 triệu USD Mỹ. Các mục tiêu của chương trình bao gồm tăng cường khuôn khổ pháp lý, bảo vệ quyền lao động và nâng cao năng lực cho người lao động trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản ở Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Theo Tổ chức ILO, chương trình này sẽ được xây dựng dựa trên hoạt động của Dự án Các quyền từ tàu tới bờ biển do EU tài trợ, đã kết thúc vào tháng 3 năm 2020.
Với sự phối hợp triển khai của ba cơ quan thuộc LHQ, chương trình sẽ phát huy kinh nghiệm của các đối tác trong khu vực để bảo vệ quyền của người lao động di cư và giải quyết các vấn đề như lao động cưỡng bức, buôn người, các hành vi tuyển dụng bất hợp pháp và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế của người lao động.
Chương trình hướng tới những người lao động làm việc trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản hiện đang di cư, sẽ di cư và đã di cư trở về, gia đình của họ và cộng đồng ở nước điểm đi và nước điểm đến.
Chương trình cũng sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ quốc gia; các tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động; cơ quan tuyển dụng; chủ tàu và các hiệp hội chủ tàu; các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức hoạt động tại cộng đồng.
Các quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong danh sách những nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ cá và thuỷ sản hàng đầu thế giới. Chuỗi cung ứng đánh bắt và chế biến thủy sản phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm đánh bắt thủy sản, chế biến sơ cấp và thứ cấp tại nhà máy trên bờ. Lao động di cư đóng góp đáng kể vào hoạt động này với công việc là ngư dân và công nhân chế biến.
Khung pháp lý về di cư lao động trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản thường yếu, lao động di cư thường được tuyển dụng thông qua các kênh không chính thức và không hợp pháp. Mặc dù đã có những cải thiện quan trọng trong những năm gần đây, nhưng người lao động vẫn cho biết họ không có hợp đồng lao động bằng văn bản, trả lương thấp hơn hoặc bị giữ lại tiền lương, các hình thức đánh cắp tiền lương khác và bị ép buộc hoặc làm việc không tự nguyện.
Đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sinh kế của người lao động di cư và gia đình của họ. Chương trình Quyền lao động từ tàu tới bờ trong khu vực Đông Nam Á sẽ hỗ trợ các Chính phủ và đối tác giải quyết những thách thức này và đảm bảo sự bảo vệ mạnh mẽ cho tất cả người lao động di cư làm việc trong lĩnh vực có đóng góp quan trọng về kinh tế và xã hội này.
HAIRTAIL SURIMI
Giá: Liên hệ