Thứ sáu, 07/01/2022
Dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp từ tháng 6-2021 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tại tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần Gò Đàng chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu phải sản xuất "3 tại chỗ". Công ty đã cắt giảm từ hơn 1.000 công nhân xuống còn 560 để đáp ứng phương án chống dịch của UBND tỉnh Tiền Giang.
Tuy vậy, công ty này vẫn có đến 180 ca nhiễm COVID-19 khiến dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ. Cùng thời gian, nguyên liệu, chi phí nhân công và đặc biệt là dịch vụ logistics tăng giá chóng mặt. Trong đó, giá thuê container tăng gấp 2, 3 ngày thường.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Đạo - tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của công ty vẫn đạt khoảng 80 triệu USD. Ông Đạo cho biết thêm: "Năm 2022 công ty đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 100 triệu USD.
Để đạt được kế hoạch, Nhà nước cũng cần có nhiều hơn nữa các chính sách khuyến khích, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt là cần có những biện pháp để điều chỉnh giá thuê container nhằm giúp doanh nghiệp bớt áp lực về chi phí logistics".
Là chủ doanh nghiệp có bề dày và uy tín trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết chưa bao giờ các doanh nghiệp chế biến tôm gặp nhiều khó khăn như năm 2021. Dù vậy, năm vừa qua công ty vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 210 triệu USD.
Theo ông Lực, trong cái nguy cũng có cơ hội. Dịch bệnh bùng phát tại những cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan... khiến khả năng cung ứng giảm, tạo điều kiện cho sản phẩm tôm Việt có cơ hội thâm nhập nhiều thị trường.
"Các doanh nghiệp chủ động thích ứng nên chuỗi nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam không bị đứt gãy, đạt kim ngạch khá" - ông Lực nói.
Khả năng bóng mây dịch bệnh COVID-19 vẫn còn bao phủ, nhưng ông Lực dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2022 vẫn đầy triển vọng. "Nếu dịch bệnh COVID-19 không còn những biến thể nặng, mảng nhu cầu dịch vụ, gồm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, du lịch... mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ tăng trưởng tốt hơn" - ông Lực kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông Lực vẫn cảnh báo còn nhiều thách thức, khó khăn cho mục tiêu đạt 9 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm 2022. Hiện các cường quốc nuôi tôm ở trạng thái phòng chống COVID-19 tốt hơn Việt Nam, trở lại trạng thái phục hồi nên sẽ có sự cạnh tranh rất quyết liệt.
Riêng nội tại, ông Lực cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Để tôm Việt lên kệ các hệ thống phân phối cao cấp và lớn tại thị trường nước ngoài, nuôi phải chuẩn mực, có đánh số cơ sở nuôi để truy xuất nguồn gốc.
Ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho biết doanh thu năm 2021 tăng từ 5-10% so với năm 2020. Dù đã hoạt động ngành hàng cá tra trở lại 100% công suất nhưng khó khăn là logistics, thiếu container rỗng trầm trọng nên bị ách tắc trong xuất khẩu. Để đạt được kim ngạch xuất khẩu thủy sản như mong muốn thì còn cả chặng đường dài và nhiều khó khăn thách thức mới.
"Cước thuê container tăng từ 3 đến 4 lần. Kế hoạch chúng tôi xuất khẩu trong tháng 1-2022 là 400 container nhưng giờ có tiền cũng chưa chắc thuê được container. Nếu trạng thái bình thường thuận lợi thì mục tiêu 9 tỉ USD có thể đạt được, nhưng hiện nay đang thiếu container rỗng và chi phí tăng cao nên doanh nghiệp rất khó thực hiện mục tiêu đó của Bộ Công thương đề ra" - ông Nghiệp lo lắng.
Còn ông Phan Văn Ninh - chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang - cho biết Bộ Công thương đưa ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 9 tỉ USD là bao gồm xuất khẩu cả nước ngọt và nước mặn. Hiện nay lượng cá xuất khẩu nước ngọt trong dân rất ít, chiếm chừng 20%, còn 80% cá nước ngọt là do doanh nghiệp tự nuôi hoặc nuôi có liên kết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/
HAIRTAIL SURIMI
Giá: Liên hệ