Thứ tư, 19/01/2022
Ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô MBS chia sẻ, có 2 yếu tố đi ngược nhau sẽ tác động đến lợi nhuận nhóm doanh nghiệp thủy sản. Trong năm 2021, sức cầu tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống của Việt Nam như Mỹ và EU do giá xuất khẩu thuận lợi. Tuy nhiên, ngành thủy sản lại ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thiếu lao động và giá vận tải, cước hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu tăng mạnh khiến lợi nhuận của nhóm ngành này không cao.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng dự báo: “Trong năm 2022, giá vận tải dự báo sẽ giảm xuống, tuy nhiên khả năng cao là giá xuất khẩu không được thuận lợi như năm 2021 nữa. Các thị trường tiêu thụ có mức độ, kèm theo đó có rất nhiều đối thủ cạnh tranh đến từ các quốc gia khác cũng phục hồi trở lại. Do đó, trong năm 2022, khi chuỗi cung ứng thuận lợi thì giá xuất khẩu sẽ bị cạnh tranh. Những yếu tố đó khiến cho lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng trưởng nhẹ”.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta: “Rủi ro trong năm 2022 của nhóm doanh nghiệp thủy sản liên quan đến thuế phòng vệ của các quốc gia nhất là Mỹ. Năm 2021 chúng ta tạm thời thoát được. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa ở các thị trường, không phải doanh nghiệp thủy sản nào cũng đều tích cực”.
Ông Minh cho hay, ở nhóm doanh nghiệp nào đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ gặp khó, khi mà Trung Quốc đang đưa ra những yêu cầu khá khắt khe về việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc, tiêu chuẩn họ đưa ra gần bằng với thị trường EU. Do đó, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường rẻ, dễ tính như kỳ vọng. Do đó, những doanh nghiệp tập trung vào thị trường Trung Quốc quá lớn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Nếu họ không chuyển đổi thị trường sẽ rất khó khăn.
Còn đối với thị trường EU và Mỹ thì vẫn được hưởng lợi, bởi các thị trường này vẫn đang đẩy mạnh gia tăng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Còn theo dự báo của ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS, vấn đề hiện tại chủ yếu liên quan đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường EU và Mỹ. Tâm lý lo sợ về biến chủng mới có thể ảnh hưởng phần nào tiêu thụ lượng hàng thủy sản. Vấn đề thứ hai liên quan đến chi phí logistics, diễn biến của đại dịch Covid-19 sẽ vẫn khiến chi phí này tiếp tục duy trì ở mức cao.
Thêm một vấn đề nữa là dịch bệnh tại thị trường Trung Quốc đang bắt đầu ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Khi dịch bùng phát nó sẽ làm cho Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp giãn cách hơn. Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường lớn của Việt Nam. Khi thị trường này thực hiện phong tỏa hoặc thực hiện một số biện pháp chống dịch sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của nhóm doanh nghiệp thủy sản. Do đó, nhóm doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm phần lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Theo Báo cáo triển vọng ngành thủy sản 2022, SSI Research dự báo với sự không chắc chắn về các biến thể mới của Covid-19, kế hoạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 vẫn khiêm tốn ở mức 8.73 tấn về sản lượng và 9 tỷ USD về giá trị (không tăng trưởng). SSI kỳ vọng năm 2022 sẽ tương tự như năm 2021 ở một số khía cạnh như: (1) nhu cầu tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, (2) áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và (3) chi phí vận chuyển cao. Tuy nhiên, ở điểm thứ ba, SSI thấy rằng giá cước có thể trở về bình thường sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết trong quý 2/2022 (theo dự báo của McKinsey).
Ngoài thị trường Mỹ, các chuyên gia SSI kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Châu Âu và Trung Quốc sẽ mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc. Do đó, SSI kỳ vọng giá bán bình quân sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi. SSI quan sát thấy giá cá nguyên liệu tăng 13% so với cùng kỳ và 8% so với quý trước trong quý 4/2021 do nguồn cung thiếu hụt do diện tích nuôi giảm khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong quý 3/2021. Dữ liệu của AgroMonitor cho thấy nguồn cung cá tra giảm 14% so với cùng kỳ trong tháng 11 tháng đầu năm 2021. Theo VASEP, diện tích nuôi cá tra giảm 30-50% so với cùng kỳ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý 1/2022. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu và có thể làm giảm biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong quý 1/2022 vì rất khó để chuyển hoàn toàn sang giá bán bình quân. Do chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng và giá cá nguyên liệu đã tăng nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong quý 2/2022.
Nguồn: https://fili.vn/
HAIRTAIL SURIMI
Giá: Liên hệ