Thứ năm, 26/10/2017
Cán bộ ngành thủy sản kiểm tra hoạt động sản xuất giống tại cơ sở sản xuất giống Cao Quý (TP.Vũng Tàu).
Ông Lê Kim Thanh (người nuôi tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho biết, trước đây nguồn tôm sú giống sản xuất trên địa bàn tỉnh luôn bảo đảm chất lượng, tôm ít bị dịch bệnh, hầu hết các vụ nuôi đều thành công cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng từ năm 2008 trở về sau thì chất lượng con giống ngày càng xuống thấp. Có những vụ ông Thanh nhập con giống về nuôi nhưng chỉ 1 tháng sau tôm bị chết hết, gây thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh, chất lượng con giống kém phần nào là do các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ không đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất không bảo đảm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 126 cơ sở sản xuất giống với các đối tượng chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và một số loại cá biển có giá trị kinh tế như cá chẽm, cá chim, cá bớp…
Hàng năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 3 tỷ con giống mỗi loại. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 4 cơ sở được ngành thủy sản kiểm định và công bố tiêu chuẩn chất lượng gồm: Trại tôm giống của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (huyện Đất Đỏ), HTX sản xuất giống Thành Phát, Công ty TNHH Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Ngọc Hoàng Thành (TP.Vũng Tàu), Công ty TNHH đầu tư sản xuất giống thủy sản An Thịnh (huyện Xuyên Mộc).
Bà Phạm Thị Thu Nga, Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, các cơ sở cung cấp giống thủy sản nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn như tại BR-VT (hơn 100 cơ sở) gây khó khăn trong việc quản lý cho cơ quan chuyên môn, dẫn đến không thể kiểm soát hết chất lượng con giống khi xuất bán trên thị trường. Bên cạnh đó, hiện nay việc kiểm dịch sản phẩm con giống chỉ thực hiện với các cơ sở xuất hàng ra ngoài tỉnh. “Do đó, chỉ mới có khoảng 50% giống sản xuất trong tỉnh được thực hiện kiểm dịch chất lượng” .
Ngoài ra, hiện nay do các cơ sở sản xuất đều nằm trong vùng chờ quy hoạch giải tỏa sản xuất như phường 12 (TP.Vũng Tàu), thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), dẫn đến ảnh hưởng tâm lý chủ cơ sở sản xuất không dám mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, làm cho việc sản xuất con giống cũng chưa bảo đảm chất lượng.
Để đáp ứng nhu cầu về quỹ đất của các cơ sở sản xuất giống, đồng thời khai thác hết tiềm năng hiện có của tỉnh, từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu trung tâm sản xuất giống tập trung tại huyện Đất Đỏ, với diện tích 149,4ha, với 10 dự án được phê duyệt đầu tư. Đến nay, đã có 3 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Ông Trương Văn Đoàn, đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - 1 trong 3 DN có dự án trong vùng quy hoạch nói trên - cho biết, sau 3 năm đầu tư: Hiện mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu ấu trùng tôm đạt chất lượng cao. Để đạt được kết quả này, công ty đã đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, công nghệ cao, từ xử lý nước, nuôi tảo, thiết bị xét nghiệm… thực hiện theo quy trình kép kín. Nhờ đó, tôm giống xuất bán ra thị trường đều bảo đảm chất lượng, tôm ít dịch bệnh, tăng trưởng nhanh.
Rõ ràng, để bảo đảm chất lượng giống thủy, hải sản, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay của BR-VT là thực hiện thành công quy hoạch khu sản xuất giống tập trung, hạn chế bớt các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.
Tag: surimi, nhà máy surimi việt nam
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn
HAIRTAIL SURIMI
Giá: Liên hệ