Thứ sáu, 24/11/2017

Phát triển kinh tế từ việc nuôi cá lồng trên hồ thủy điện

Nhờ việc nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sêrêpôk 3, nhiều hộ nghèo ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đã có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khai thác nguồn lợi từ mặt nước
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sêrêpôk 3 bắt đầu khoảng từ năm 2012 với một vài hộ dân từ miền Tây lên Đắk Lắk lập nghiệp. Trong đó, gia đình chị Phạm Thị Nở là một trong những hộ gắn bó với nghề nuôi cá lồng hơn 5 năm nay. Khi mới đến vùng đất Ea Nuôl lập nghiệp, vợ chồng chị mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên hồ thủy điện này. Do nguồn thu nhập bấp bênh cộng với chút ít kinh nghiệm nuôi cá lồng học hỏi được ở quê nên chị quyết định thử nghiệm việc nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Ban đầu, với 1 lồng nuôi cá lóc cho hiệu quả kinh tế cao, dần dần chị mở rộng thêm nhiều lồng nuôi hơn. Đến nay, vợ chồng chị có 3 lồng nuôi cá lóc và rô đầu vuông, mỗi năm thu 2 lứa, mỗi lứa thu lãi khoảng 50 triệu đồng.
Với anh Nguyễn Mậu Trực, nhận thấy vùng hồ thủy điện này phù hợp cho nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao nên năm 2013, gia đình anh từ xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) sang Ea Nuôl để đầu tư nuôi cá lồng. Đến nay, sau hơn 4 năm nuôi, gia đình anh có 5 lồng cá lóc và rô đầu vuông. Theo anh Trực, kinh phí đầu tư cho mỗi lồng cá khoảng 5 triệu đồng; mỗi lồng có diện tích khoảng 9m2 và nuôi được khoảng 3.000 con. Quá trình nuôi không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, cá ít nhiễm bệnh nên hiệu quả kinh tế khá cao và cho thu nhập ổn định.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này mang lại, mới đây, các hộ nuôi cá đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản nhằm giúp các thành viên nắm vững kỹ thuật chăm sóc, chọn giống nuôi và ổn định đầu ra. Ông Nguyễn Hoàng Quyển, tổ trưởng cho biết: “Từ một vài hộ nhỏ lẻ ban đầu, đến nay Tổ hợp tác có 12 hộ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Tham gia vào Tổ hợp tác, các hộ nuôi cá phải chấp hành quy định về sử dụng thức ăn sạch, không dùng chất cấm; đồng thời góp phần hạn chế tình trạng đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt”.
Tìm hướng phát triển bền vững
Tuy mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng việc nuôi cá lồng cũng như phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Để tiện cho công việc mưu sinh, các hộ dân nuôi cá lồng ở đây đã dựng nhà, có những căn nhà được làm tạm bợ trên bờ hồ thủy điện để cả gia đình sinh sống. Chưa nói đến cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nguy hiểm rình rập khi mùa nước lũ dâng thì do nhà cửa tạm bợ, thiếu công trình vệ sinh nên chất thải sinh hoạt được thải ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm. Không những thế, việc thiếu các trang thiết bị bảo hộ như áo phao cứu sinh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy khi hằng ngày họ phải chèo thuyền ra vào khu vực nuôi cá và cả những lúc đi giăng lưới đánh bắt thủy sản trên hồ. Mặt khác, do vốn đầu tư của các hộ dân cho hoạt động nuôi cá lồng còn hạn chế nên chưa thể khai thác hết tiềm năng dồi dào của hồ thủy điện trong việc nuôi trồng thủy sản…

Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện là mô hình được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng, đã mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của người dân, cần có sự hỗ trợ của của cơ quan chức năng thì hoạt động nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sêrêpôk 3 nói riêng, các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện nói chung mới đi vào quy củ, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho nhân dân.

Xem thêm: surimi đa nẵng

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

21/05/2017

Gần đây, cá tra giống trên địa bàn tỉnh Đồng...

Tôm mang phận tép!

Tôm mang phận tép!

21/05/2017

Trong vòng 15 năm qua, giá trị xuất khẩu ngành...

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

21/05/2017

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt...

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

21/05/2017

Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội...