Chủ nhật, 21/05/2017

Giá rớt thê thảm, người nuôi cá ở Long An 'sống dở chết dở'

Hơn 2 năm nay, người dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh,… (tỉnh Long An), rất phấn khởi vì nuôi cá cho thu nhập cao. Nhiều người đã mua hoặc thuê đất để đầu tư nuôi cá, tuy nhiên, hơn 7 tháng qua, người nuôi bị điêu đứng vì giá các loại cá bị rớt thê thảm.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến những hộ nuôi cá của huyện Thạnh Hóa. Phần lớn người nuôi cá hiện đang “chết dở, sống dở” vì cá không bán được hoặc bán với giá rất thấp, trong khi nợ từ vốn vay ngân hàng không thể trả. 
Theo anh Nguyễn Văn Cường, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, do giá cá giảm nên người nuôi chần chừ kéo dài thời gian chờ giá lên. Tuy nhiên, càng kéo dài càng lỗ thêm. 

Gia đình anh Cường vừa nuôi cá, vừa bán cá cá giống cũng nằm trong tình trạng thua lỗ từ 50-60 triệu đồng. 
“Giá cá xuống quá thấp khiến người nuôi thua lỗ nhiều. Trung bình gía thành nuôi từ 30.000-35.000 đồng/kg, nhưng chỉ bán được 23.000 đồng. Đó là chưa kể đến những con cá lớn quá hoặc nhỏ quá thương lái cũng không mua. Nếu tính bình quân, cá chỉ dao động 14-17 ngàn đồng/kg, như vậy lỗ quá lớn,” anh Cường tâm sự. 
Theo anh Cường, do nuôi cá thua lỗ nặng nên bà con muốn bỏ nghề. Nhiều hộ vay nợ để nuôi cá giờ đây mất khả năng chi trả. 
“Gia đình tôi đang lấp một số diện tích ao để chuẩn bị cho việc kinh doanh buôn bán,” anh Cường nói. 
Còn anh Phan Văn Phong, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, cũng đang hoảng hốt vì thua lỗ quá nặng. Vào thời điểm tháng 9 năm 2016, anh còn hồ hởi đón tiếp chúng tôi khi đến ghi hình phong trào nuôi cá trê vàng lai đang ăn nên làm ra. 
Thế nhưng, trên chính những ao nuôi này, giờ yên ắng lạ thường. Chủ nhân ao nuôi cũng từ chối tiếp chuyện với chúng tôi. Bởi lẽ, anh không còn tâm trạng khi con số thua lỗ vào việc đầu tư nuôi cá đã lên đến tiền tỷ. 
Không chỉ các hộ nuôi cá mà các đại lý thức ăn cho cá cũng vướng vào khó khăn. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Trãi, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, cũng “vướng” hơn 300 triệu tiền bao tiêu thức ăn, thuốc thủy sản cho các hộ nuôi, chưa thể thu hồi được. 
Theo ông Trãi, bà con nuôi cá đa phần là đi vay vốn. Việc phát triển nuôi cá quá nhanh với diện tích nuôi thả lớn, trong khi giá cả thị trường tuột dốc khiến người chăn nuôi không trụ nổi. 
Theo thống kê Phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa, trên địa bàn huyện có 878ha nuôi cá các loại. Tuy nhiên đã có 30-40% diện tích ao bị người dân san lấp. 
Ông Lê Hữu Tàu - Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạnh Hóa, cho rằngtrước thực trạng trên, ngành nông nghiệp đã phối hợp với một số ngành chức năng định hướng cho bà con không nuôi tràn lan. Ưu tiên trong tổ hoặc tổ hợp tác phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hạn chế nuôi không đúng theo quy hoạch. 
Ông Phạm Phú Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An, cho biết, các hộ nuôi con cá trê, cá rô, cá lóc, người dân hiện nay thiệt hại rất lớn. Phong trào nuôi phát triển tự phát nhanh, có hiện tượng cung vượt cầu. Chính nhiều yếu tố này đã tạo nên giá rất thấp. 
“Đứng về chuyên môn, chúng tôi khuyến cáo bà con nên cẩn thận vệ sinh ao đầm thật kỹ. Nếu có nuôi lại chọn nguồn giống thật chuẩn, thả mật độ thưa, khoảng 30-50% so với mật độ trước đây. Cụ thể con cá rô chỉ thả 20-25 con/m² (trước đây thả 50-60 con/m²), để giảm chi phí cũng như an toàn về dịch bệnh giúp người nuôi đạt hiệu quả cao hơn,” ông Phạm Phú Hùng khuyến nghị./. 

 

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

Cá tra giống tăng giá gấp đôi

21/05/2017

Gần đây, cá tra giống trên địa bàn tỉnh Đồng...

Tôm mang phận tép!

Tôm mang phận tép!

21/05/2017

Trong vòng 15 năm qua, giá trị xuất khẩu ngành...

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

Giá cá tra nguyên liệu 'hạ nhiệt'

21/05/2017

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt...

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

21/05/2017

Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội...